11 trống đồng cùng hàng trăm cổ vật thời đại văn hóa Đông Sơn đang được tập hợp về Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) để trưng bày trong một chuyên đề đặc biệt dự kiến khai trương ngày 18/11.
( Nguồn: Vnexpress.net )
Kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2014), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) tổ chức trưng bày hàng trăm cổ vật quý thời kỳ đồng thau – sắt sớm.
Di tích Đông Sơn nằm ở hữu ngạn sông Mã cách cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) khoảng một km về phía thượng nguồn. Liên tục vào các năm từ năm 1924-1929, 1935-1939, nhiều đợt khai quật quy mô những di tích văn hóa Đông Sơn của các học giả trường Viễn Đông Bác Cổ đã được tiến hành. Các cuộc khai quật này đã phát hiện một khối lượng lớn tư liệu hiện vật và đem lại những nhận thức chung về đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
Tâm điểm của cuộc trưng bày là 11 chiếc trống đồng Đông Sơn – loại trống được sản sinh trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn, biểu hiện cao nhất cho công nghệ đúc đồng của người Việt cổ. Ban đầu trống được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn, là biểu tượng tồn vong của cộng đồng cư dân Lạc Việt.
Ngoài một số trống do Bảo tàng Lịch sử quốc gia quản lý, một số trống đồng Đông Sơn nổi tiếng ở các bảo tàng địa phương cũng góp mặt trong cuộc trưng bày. Trống được bảo quản cẩn thận trong thùng gỗ để di chuyển từ các bảo tảng tỉnh như Nghệ An, Lào Cai, Thanh Hóa… về Hà Nội.
Trống đồng Đông Sơn được đúc bằng khuôn ba mang, đường kính từ 30 cm đến 80 cm, cao từ 30 cm đến 70 cm. Giữa mặt trống là hình ngôi sao, phần nhiều là sao 12 cánh (có thể là tượng trưng cho 12 tháng trong năm). Xung quanh ngôi sao và trên thân trống trang trí xen kẽ các mô típ hoa văn hình và các vành hoa văn tả thực cảnh đoàn người hóa trang, lễ hội đánh trống, giã gạo, cầu mùa, hình nhà sàn, thuyền chiến, hình động vật như hươu, bò, giao long, các loài chim…
Ban tổ chức cho biết, quá trình vận chuyển cổ vật được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Thùng gỗ đựng trống đồng có lớp xốp dày bên trong, các khoảng trống đều được lấp kín bởi những hạt đệm mút nhỏ.
Trống đồng Làng Vạc – phát hiện tại di chỉ Làng Vạc, Nghệ An, có niên đại khoảng 2100 năm trước Công nguyên – được chuyển từ bảo tàng Nghệ An ra Hà Nội, trưng bày trong tủ kính có hệ thống chiếu sáng chuyên dụng hiện đại.
Cùng với trống Làng Vạc, trống đồng Động Xá (Hưng Yên) cũng được hoàn thiện phần trưng bày sớm. Rìa mặt trống đắp 4 khối tượng cóc, liên quan đến nghi lễ cầu mưa gắn với nông nghiệp trồng lúa nước.
Ngoài trống đồng Đông Sơn, khu chuyên đề còn giới thiệu nhiều di vật thời đại văn hóa Đông Sơn khác. Nhóm đồ dùng sinh hoạt được các nhân viên bảo tàng trưng bày trong khoang tường có mặt kính dày được đóng mở bằng dụng cụ đặc biệt.
Chuông cổ nhiều loại đặt trong tủ kính với hệ thống đèn chiếu ánh sáng trắng tập trung. Ngoài trống đồng, chuông là loại nhạc cụ được dùng phổ biến trong văn hóa Đông Sơn.
Chuông đồng Đông Sơn có 2 loại là chuông gõ và chuông lắc, trong đó chuông gõ có kích thước khá lớn, hình nửa bầu dục dẹt hoặc hình thang cân, dùng dùi gõ vào chuông để phát ra âm thanh.
Nổi bật trong nhóm đồ dùng sinh hoạt là những chiếc thạp dùng để cất trữ lương thực, thực phẩm. Do sản xuất phát triển, tạo được nhiều của cải dư thừa, người Đông Sơn đã chế tác ra những chiếc thạp lớn nhỏ nhiều kích thước để cất trữ lương thực, thực phẩm. Thạp còn liên quan đến các nghi lễ chôn cất người chết. Đây là loại di vật khá điển hình của văn hóa Đông Sơn, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật tương tự như trống đồng.
Tài liệu khảo cổ đã chứng minh, trong bối cảnh văn hóa Đông Sơn đã phát sinh xung đột xã hội, chiến tranh, thể hiện rõ qua sưu tập vũ khí vừa phong phú về loại hình, kiểu dáng vừa đa dạng về tính năng sử dụng. Hai chiếc lẫy nỏ trong nhóm di vật vũ khí thể hiện trình độ kim khí ở thời đại văn hóa Đông Sơn.
Bộ 3 mũi lao, phát hiện trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), mộ cổ Bình Kiều (Hưng Yên) và di chỉ Vinh Quang (Hà Nội). Quá trình khảo cổ văn hóa Đông Sơn cho thấy số lượng vũ khí có sự gia tăng đột biến, tỷ lệ vũ khí tìm thấy luôn chiếm khoảng 50% số lượng hiện vật trong mỗi di tích.
Ngoài chất liệu đồng, trang sức trong văn hóa Đông Sơn còn sử dụng phổ biến chất liệu đá và thủy tinh. Chiếc xâu hạt chuỗi bằng chất liệu đá ngọc, thuỷ tinh và mã não (phát hiện tại Thanh Hoá) có kiểu dáng khá gần gũi với các loại vòng trang sức đá ngày nay. Bộ sưu tập di vật văn hóa Đông Sơn dự kiến sẽ chính thức ra mắt công chúng ngày 18/11, kéo dài đến tháng 5/2015.
Quý Đoàn