Lò gốm cuối cùng bên kênh Lò Gốm ở Sài Gòn Hơn 40 năm gắn liền với nghề làm gốm, cơ sở của ông Trần Văn Tiếp là nơi duy nhất lưu giữ cái nghề đã mai một giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng. Khoảng những năm 1970, bên kênh Lò Gốm khu vực quận 6 và quận 8 có một làng chuyên làm nghề lò gốm – bếp nấu củi làm bằng đất nung với khoảng 30 cơ sở. Do quá trình đô thị hóa, nhiều cơ sở đã dẹp bỏ, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác, chỉ còn cơ sở Năm Tiếp vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Do diện tích đất bị quy hoạch làm nhà ở, xây dựng đường xá nên nguồn nguyên liệu cũng cạn kiệt. Vì thế đất sét, vỏ trấu, xơ dừa phải vận chuyển từ Long An về đây để sản xuất lò gốm. Dù cuộc sống ở Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều so với những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng nhờ duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống, đồng thời cũng chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng của sản phẩm, nên cơ sở của ông Năm Tiếp vẫn ăn nên làm ra.. Cơ sở hiện có hơn 30 nhân công làm việc thường xuyên, trong đó với hơn chục người có thâm niên cao, nhiều kinh nghiệm. Ông Nguyễn Văn Thuận (52 tuổi), làm nghề này gần 30 năm, chia sẻ: “Gắn bó với nghề từ thuở nhỏ, nay tuổi già sức yếu, không có cái nghề này thì không biết lấy gì mà sống. Bây giờ dù có cực đến mấy cũng ráng làm để nuôi con, để truyền lại nghề cho đám trẻ.” Ông Quyền (68 tuổi) làm nghề này được khoảng 40 năm. Ông là một trong những người làm nghề lò gốm lâu năm nhất ở đây. Cường Em (25 tuổi) cùng các thợ phụ trẻ tuổi khác có sức khoẻ, thường làm những công việc nặng nhọc như nhào trộn đất, phơi, bốc vác, vận chuyển sản phẩm. Không chỉ là nơi lưu giữ một nghề độc đáo ở Sài Gòn. Nơi đây còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khó, một số người thợ đã ngoài 60, 70 tuổi. Để cho ra những lò đất bền, đẹp, sắc màu tươi sáng, thợ gốm phải lựa chọn loại đất tốt, sau đó ngâm nước để lắng bỏ tạp chất, nhào trộn với than trấu cho đến khi đất nhuyễn. Trộn than trấu vào đất là để làm tăng độ chịu nhiệt của bếp lò khi nung cũng như giúp lò đất được bền, chắc hơn. Tiếp đó thợ phụ xắn từng miếng đất sét nguyên liệu thành những phần bằng nhau, vừa đủ cho từng kích cỡ lò, đem ra nắng phơi ráo bớt nước. Khâu khó nhất trong quy trình là tạo dáng lò đất, người thợ rải đều lớp chống dính vào khuôn, sau đó cho đất sét vào rồi dùng tay ấn, vuốt liên tục, khéo léo ép đất chặt vào khuôn cho có độ dày đều nhau, rồi đem lò đất phơi nắng cho khô ráo. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở chủ yếu được phân phối đi các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, nhiều nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… thậm chí được Việt kiều, người nước ngoài đặt hàng xuất sang Thái Lan, Singapore. Sản phẩm lò đất có 6 loại tùy theo kích cỡ từ nhỏ đến lớn. Giá thành cũng khác nhau, lò đất loại nhỏ giá 30.000 đồng/cái, loại lớn giá 160.000 đồng/cái. Cơ sở lò gốm Năm Tiếp nằm trên diện tích đất hơn 2.000 m2, trung bình mỗi tháng cơ sở của ông tung ra thị trường khoảng 20.000 sản phẩm. Thu nhập của mỗi người thợ được khoảng 5 đến 6 triệu đồng/tháng, giúp họ có tiền để trang trải cuộc sống tốt hơn. Võ Minh Thanh – Nguồn: zing.vn Đánh giá post Chia sẻ: Facebook Twitter Pinterest Linkedin
Nét độc đáo của ‘Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên’ Tin tức du lịch, làng nghề / Bởi Dương Ngọc Tiển
Quảng Nam: Dâng tặng Đại lễ Đại hồng chung nặng 1000kg Tin tức du lịch, làng nghề / Bởi Dương Ngọc Tiển