Người còn giữ nghề đúc cồng chiêng là ai?

“Liệu 20 năm nữa, khi những người biết đúc cồng chiêng hiện tại đã qua đời, ai là người thay thế?” – đó là trăn trở của Nghệ nhân cồng chiêng Dương Ngọc Tiễn (53 tuổi) ở thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Dù lem luốc vẫn là nghệ sĩ

Trên hiên gạch nhà ông Tiễn, giữa cái hừng hực của nắng và lửa, những người thợ đang rót dòng đồng nóng chảy vào khuôn. “Rót phải dứt khoát, để tránh thất thoát nhiệt cho đồng loãng trên đường chảy” – người thợ vừa làm vừa giải thích. Một nhóm đang mài dũi chiêng phôi, còn ông Tiễn đang xách một chiếc chiêng, lắng tai, lấy dùi gõ nhẹ… Trong nhà, sắc phong Vua Bảo Đại phong cho cụ Dương Ngọc Thuyên – cụ của ông Tiễn, được treo trang trọng trên tường. Nhà 4 đời đúc đồng, dòng chảy của đồng đã ngấm vào máu ông Tiễn.

“Để làm ra một cái chiêng, phải nắm bắt những bí quyết riêng, như làm khuôn, tùy theo vật được đúc để cân bằng lượng trấu và đất sét; việc chọn nguyên liệu phải cân đối lượng đồng, thiếc, niken thế nào” – ông Tiến nói. Theo ông Tiễn, khó nhất là thẩm âm chiêng M’Nông, bởi chiêng này thuộc chi đấm (dùng tay đấm). Chiêng kêu tốt thì thanh âm phát ra có cả âm đầu và âm cuối, không có tạp âm; thời lượng xuất hiện âm đầu và âm cuối gần như nhau nếu đánh mạnh dùi, và chỉ nghe âm bồi cộng hưởng nếu đánh nhẹ. Đôi khi phải cảm nhận cảm giác của tay xách chiêng, tay cầm dùi để biết chiêng đang cao hay thấp.

Người còn giữ nghề đúc cồng chiêng là ai?
Thợ của ông Dương Ngọc Tiễn đang rót đồng vào khuôn .

“Hiện nay, có vấn nạn dùng chiêng sai thanh âm chuẩn. Bởi chiêng của mỗi dân tộc, thậm chí cùng một dân tộc, nhưng khác nhóm địa phương có mỗi thang âm khác nhau. Raglai Khánh Hòa khác Raglai Bình Thuận, M’Nông nhóm P’râng khác M’Nông nhóm Noong… Dẫn đến việc cùng một bộ chiêng nhưng mang đến vùng này bảo hay, mang đến cho vùng khác thì không sử dụng được. Vì vậy, khi đúc ra một cái chiêng, người thợ phải trực tiếp đến với đồng bào để nghe bằng tai, đánh bằng tay nhằm ký vào trí nhớ quãng cách, cao độ” – ông Tiễn nói.

Nhìn những người thợ tỉ mỉ rót từng dòng đồng vào khuôn, chúng tôi cảm nhận rõ rằng, dù quần áo luôn lem luốc, nhưng họ là những nghệ sĩ. Riêng ông Tiễn, là sự kết hợp của hai trong một: Vừa là người đúc cồng chiêng, vừa là nghệ sĩ thẩm âm.

Những trăn trở về cồng chiêng

Làng Phước Kiều (xã Điện Phương) tồn tại đã hơn 400 năm, từ khi dinh trấn Quảng Nam được lập tại đất Thanh Chiêm. Sản phẩm của làng đúc Phước Kiều lúc ấy phục vụ sinh hoạt nghi lễ của dinh trấn như nồi niêu, lư đèn, chiêng khánh… Nhiều nghệ nhân còn được triều đình Phú Xuân gọi ra đúc đỉnh, vạc. Khi cửa Lao Bảo, An Khê được thông, qua giao lưu với đồng bào thiểu số, người Phước Kiều biết đúc cồng chiêng, và đúc cồng chiêng trở thành sản phẩm đặc thù của làng nghề này.

đúc chiêng đồng
Ông Tiễn đang thẩm âm chiếc cồng chiêng vừa làm xong

Quan điểm

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn
“Rất cần công nhận làng nghề là di sản phi vật thể quốc gia, đồng thời mở những lớp đào tạo đúc đồng, du lịch một cách bài bản rồi có chính sách thích hợp để lớp trẻ tham gia.
Những năm chiến tranh, làng nghề lụi tàn, hoang phế. Sau năm 1975, đồng Phước Kiều bị cấm sản xuất vì cho là hàng xa xỉ phẩm. Năm 1985, làng mới sản xuất trở lại. Lúc ấy, ông Tiễn xin gia đình mở lò đúc riêng nhưng nạn “chảy máu” cồng chiêng diễn ra, cơ sở của ông lâm vào nguy khốn. Năm 2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. “Máu” cồng chiêng nổi lên, ông lập luôn công ty chuyên kinh doanh cồng chiêng. Có năm ông nhận làm đến gần 1.000 đơn vị chiêng.

Điều mà ông Tiễn trăn trở nhất là, hiện nay ngoài ông ra, làng Phước Kiều chỉ còn 3 người biết đúc cồng chiêng, người làm công trẻ nhất cũng đã 45 tuổi!

Năm 2011, UBND huyện Điện Bàn phê duyệt dự án đầu tư và phát triển làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều gắn với du lịch. Chính ông Tiễn là người chấp bút viết đề án. Từ đó, dù luôn là điểm đến của những ngày hội văn hóa, như năm 2006, Phước Kiều được chọn làm điểm tham quan của Bộ trưởng Du lịch các nước tham dự Hội nghị APEC, nhưng vẫn thưa vắng khách đến với Phước Kiều.

Theo ông Tiễn, tình trạng đó là do việc đầu tư chưa có chiều sâu, chưa tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích lâu dài của triển khai du lịch, chưa hình thành được con người làm du lịch bài bản… Và đặc biệt, làng nghề chưa có một danh xưng tương xứng nào. Ngày “Không gian văn hóa công chiêng” nhận bằng từ UNESCO, ông Tiễn theo đoàn Quảng Nam, mang một lược sử làng nghề 45 trang do ông tự viết…

Ông biểu diễn tại chỗ khâu thẩm âm, phản bác quan điểm cho rằng người sản xuất không tự thẩm âm được. Bản thân ông cũng tham gia giảng dạy lớp học thẩm âm cho các đồng bào thiểu số vào năm 2007 ở Gia Lai, năm 2011 ở Đăk Nông. Từ đó, ông cho rằng, nếu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là phần hồn, còn phần cốt thì là nơi sản xuất ra cồng chiêng, cũng cần được công nhận một danh hiệu nào đấy.

“Đúc cồng chiêng ngoài Phước Kiều còn có làng Bằng Châu ở Bình Định, cùng chung vấn nạn như Phước Kiều. Liệu 20 năm sau, khi người biết đúc cồng chiêng hiện tại qua đời, ai là người thay thế, cồng chiêng Tây Nguyên sẽ ra sao? Phước Kiều nằm trên tuyến hành lang Hội An – Mỹ Sơn, rất thuận lợi triển khai du lịch. Bởi thế nên theo tôi, rất cần công nhận làng nghề là di sản phi vật thể quốc gia, đồng thời mở những lớp đào tạo đúc đồng, du lịch một cách bài bản rồi có chính sách thích hợp để lớp trẻ tham gia. Có như vậy, làng nghề, và cả không gian cồng chiêng Tây Nguyên mới tồn tại được” – ông Tiễn khẳng định.

Nhận đúc cồng chiêng do chính tay Nghệ Nhân Dương Ngọc Tiển Liên hệ:

CÔNG TY TNHH DU LỊCH – THƯƠNG MẠI ĐỒNG PHƯỚC KIỀU

Địa chỉ: Thôn Thanh Chiêm, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam
Phòng kinh doanh: (05) 103 711 329091 9432 267
Fax: (05) 103 867 990
Email: dongphuockieu@gmail.com
 Website: https://dongphuockieu.vn

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lên đầu trang